Social Icons

Pages

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Ông lão đánh cá và con cá vàng.


Có một lão ngư ông nghèo, tốt bụng, sống cùng bà vợ già trong túp lều tuềnh toàng ở một làng chài ven biển. Hôm nọ ra biển, ông bắt được một con cá vàng biết nói tiếng người. Cá vàng xin ông thả với lời hứa sẽ cho ông ba điều ước.

1. Khổ nỗi, điều ước này bị ràng buộc, vợ chồng ông ước được điều gì thì gia đình người hàng xóm sẽ được gấp đôi. Không tin lời cá vàng nhưng vì lòng nhân, ông lão thả con cá đi. Về nhà, ông kể cho vợ nghe chuyện cá vàng và ba điều ước. Bà lão bực mình vì ông lão đã mềm lòng mà thả cá vàng trở lại biển cả. Sẵn đến buổi cơm trưa, bà buột miệng ước gì gia đình mình được một bữa cơm thịnh soạn. Lời hứa của cá vàng ứng nghiệm thật: trước mặt đôi vợ chồng già là mâm cao cỗ đầy. Giật mình nhớ lại lời cá vàng, bà lão chạy sang nhà hàng xóm xem thử thì quả nhiên bên ấy có đến hai mâm cơm.

Hai vợ chồng già cảm thấy hạnh phúc với bữa ăn ngon nhờ lời ước đầu tiên. Thế nhưng, bà lão tự dưng thấy tức giận vì gia đình hàng xóm chẳng làm gì lại được hưởng gấp đôi. Ngược lại, ông lão vui vẻ bảo với vợ là mình muốn thực hiện điều ước thứ hai là trong nhà có ti vi màn hình phẳng để xem cho sống động. Lắng nghe, họ thấy nhà hàng xóm có tiếng ồn ào bởi gia đình họ giờ có đến hai ti vi y hệt của mình. Đến lúc này thì bà vợ ông lão đánh cá tức điên người và hét lên: “Nếu thế thì tao ước gì mất một con mắt để xem bọn mày được gì?”. Bà lão vừa dứt lời thì cả làng chài nghe tiếng khóc thảm thiết từ nhà kế bên vì vợ người hàng xóm đã mù cả hai mắt.

2. Trong nhiều năm qua, ở Singapore có một chính sách xã hội khá thú vị với triết lý giống câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” trên đây. Cá nhân hay doanh nghiệp nào đó (không phân biệt người địa phương hay người nước ngoài) đóng góp từ thiện hay tài trợ cho cộng đồng hay xã hội 1 đồng thì Nhà nước sẽ góp thêm 1 đồng rưỡi. Trường hợp mới đây cụ thể nhất là chuyện một đại gia người Indonesia gốc Hoa, ông Tahir, sáng lập viên và chủ tịch điều hành của tập đoàn Mayapada, đã hiến tặng 30 triệu đô la cho trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Như vậy nhờ nghĩa cử cao đẹp của ông Tahir và cam kết rất “cá vàng” của Chính phủ Singapore, NUS đã được một khoản tài trợ 75 triệu đô la.

3. Câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” và sáng kiến khuyến khích từ thiện của Chính phủ Singapore nói trên thường được chia sẻ trong các buổi thảo luận về kinh nghiệm quản lý và lãnh đạo tại Singapore. Câu hỏi hay đưa ra cho học viên thảo luận là ông lão đánh cá, với tư cách là người chủ gia đình phải thể hiện khả năng lãnh đạo như thế nào và hóa giải ba điều ước có điều kiện của con cá vàng. Phúc họa khôn lường, cơ hội đổi đời cho gia đình, cho cộng đồng, nếu không khéo tận dụng lại biến thành thảm họa. Bài toán nào khó đến mấy rồi cũng có lời giải. Nhưng bản tính tham lam và ganh tị cố hữu của con người làm lu mờ trí tuệ đến nỗi có khi người ta chỉ nghĩ đến những cuộc chiến phân định thắng - thua, “một mất một còn”.

Bản thân người viết bài này trong thời gian hơn 10 năm sinh sống và làm việc nơi đất khách quê người đã có lúc suy nghĩ giống như bà vợ ông lão đánh cá. Tham gia nhiều dự án kinh doanh với vị trí then chốt, mặc dù được trả thù lao đúng giá thị trường, nhưng thỉnh thoảng cũng thấy tưng tức vì lắm kẻ chỉ làm nghề dắt mối, nhưng “hưởng” nhiều hơn mình. Có thể cho đó là bất công nhưng nghĩ lại mới thấy, trong thương trường, không có tầng lớp trung gian, thì làm sao cung-cầu trong mọi lĩnh vực có thể gặp nhau?

4. Nhân vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng gây xôn xao công luận vừa qua, hãy thử tưởng tượng, nếu chính quyền địa phương được ba điều ước của con cá vàng thì sẽ xảy ra điều gì? Người dân Tiên Lãng sẽ hạnh phúc nếu người lãnh đạo của họ là ông lão đánh cá nhân hậu, biết nghĩ đến người khác. Nhưng đừng quên bên cạnh ông lão còn một “bà vợ” tham lam, ích kỷ và sợ kẻ khác vượt hơn mình, được đặt để như biểu hiện của một bản năng khác trong mỗi con người - đặc biệt với người có chức có quyền - vẫn luôn chực chờ trỗi dậy để hướng tới hành vi chiếm đoạt của người khác, áp bức người khác, để mọi người phải thua mình. Liệu những ông lão đánh cá ở những làng chài khác có khắc chế được tính xấu cố hữu trong con người mình không?

__________
Lê Hữu Huy (*)
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét