Có bệnh thì nên uống thuốc. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không ngại tốn tiền để mua các loại thuốc “hàng hiệu” sử dụng mà bệnh tình chẳng hề thuyên giảm, đôi khi thấy bệnh càng nặng hơn.
Có thể loại thuốc ấy không tương hợp với cơ địa của người sử dụng. Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần được chuyển đổi những loại thuốc khác tương thích hơn. Khi một loại thuốc gây bất lợi cho người sử dụng thì việc đổi thuốc có thể giúp họ kiểm soát được bệnh tật, tiết kiệm được chi phí điều trị.
Dưới đây là những điều mà người sử dụng cần biết để có thể đề nghị với bác sĩ nhằm đổi sang các loại thuốc thích hợp hơn.
1. Tác dụng phụ của thuốc vô cùng nghiêm trọng: Nếu dược phẩm đang sử dụng gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như nổi mẩn, nổi đỏ (một phần hay toàn cơ thể), tim đập nhanh…, bạn cần trao đổi với bác sĩ để đổi sang loại khác. Đôi khi sử dụng thuốc không “đúng hệ” sẽ làm giảm đi chất lượng cuộc sống của người sử dụng, thậm chí còn tồi tệ hơn cả chứng bệnh mà bạn phải dùng thuốc để điều trị.
2. Dược phẩm đang bị thu hồi: Khi nhà sản xuất quyết định thu hồi một dược phẩm nào đó thì hẳn nhiên, loại thuốc này phải có vấn đề. Cho dù khi sử dụng những loại dược phẩm này, bạn thấy có hiệu quả rõ rệt thì cũng nên ngưng ngay. Bác sĩ sẽ giúp bạn đổi sang những loại thuốc khác có tác động tương tự. Việc cần làm ngay là bạn nên gom góp những loại dược phẩm (bị thu hồi) còn lại trong nhà gửi đến nhà sản xuất hoặc nhà thuốc mà mình đã mua để có hướng xử lý.
3. Cơ thể không dung nạp thuốc: Cơ thể con người là một cỗ máy tuyệt diệu. Hết lần này cho tới lần khác, cơ thể con người có thể đáp ứng với hầu hết mọi thứ. Chính vì vậy, khi sử dụng một loại dược phẩm trong khoảng thời gian quá lâu, thuốc sẽ tự nhiên bị “phế võ công”. Đây cũng chính là lúc mà bệnh nhân cần phải được đổi sang những loại thuốc khác.
4. Lối sống của bạn trở nên tốt hơn: Đối với một số tình trạng bệnh, chẳng hạn đái tháo đường type 2, sức khỏe bệnh nhân cải thiện đáng kể dù chỉ nhờ vào những thay đổi nhỏ trong lối sống. Vì vậy, khi thấy sức khỏe ổn định hơn so với lúc bắt đầu sử dụng thuốc, bạn cần được đổi loại khác. Nếu tập luyện để được giảm nhiều cân, ngưng hút thuốc lá, giảm stress thì bạn cần phải đổi sang một loại thuốc trị đái tháo đường khác tương thích với sức khỏe hiện thời. Đôi khi thầy thuốc sẽ giảm liều thuốc bạn đang sử dụng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không cần dùng bất cứ loại dược phẩm nào nhờ vào những thay đổi tích cực trong lối sống.
5. Nghiện thuốc: Nghiện thuốc kê toa hiện là một vấn nạn toàn cầu. Lý do phổ biến nhất là do người sử dụng thuốc thường “làm lơ” trước những dấu hiệu nguy hiểm. Nếu cảm thấy bị lệ thuộc hoặc bồn chồn khi thiếu thuốc thì có thể bạn đang gặp vấn đề rắc rối. Bạn cần báo ngay với bác sĩ để có thể đổi sang những loại thuốc khác, tránh tình trạng nghiện thuốc.
Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét