Social Icons

Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Tình thương trong Đạo phật

Ảnh do CSYT chụp tại Tu viện Thiện Hoa

Có nhiều người cho rằng đạo Phật là đạo diệt dục, là đạo lý dạy con người diệt trừ tất cả mọi ước mơ, mọi mong muốn, mọi thương yêu, là giáo lý bi quan yếm thế… Nói như vậy quả là một ngộ nhận rất lớn và chứng tỏ là họ chưa hiểu gì về đạo Phật. Trong khi đó giáo lý về tình thương là một đề tài rất lớn mà đức Phật luôn đề cập đến trong nhiều kinh, được xem là vấn đề cốt tuỷ trong đạo Phật.

Tình thương là một loại năng lượng có thể thực hiện được nhiều phép lạ. Khi người ta thương, người ta có thể làm được những việc mà người không thương không thể làm được. Tuy nhiên có loại tình thương đem đến cho ta và người niềm vui và hạnh phúc và có loại tình thương đem đến cho ta và người sự bi lụy khổ đau. Loài người ngụp lặn trong khổ đau vì trong đời sống hàng ngày tình thương của họ còn mang nhiều tính chất của hệ lụy và vướng mắc. Vì vậy muốn vượt thoát khổ đau, chúng ta cần có được tình thương chân thật, một tình thương có khả năng đem lại hạnh phúc, an vui cho người và mình.

Giáo lý về tình thương được gọi là Tứ Phạm Trụ, Brahmavihara (The Four Abodes of Brahma). Brahma có nghĩa là Phạm Thiên hay là cao quý. Vihara là chổ ở, là cư xá, có khi được dịch là tu viện. Ðó là nơi cư trú của Phật và Bồ Tát. Nếu ta muốn hạnh phúc thì ta hãy xin vào cư trú ở đó để sống chung với Phật và Bồ Tát. Tứ Phạm Trụ tức là Từ, Bi, Hỷ và Xả mà chúng ta thường gọi là bốn tâm vô lượng. Vô lượng tức là không thể đo được, và có thể phát huy đến vô cùng. Bốn tâm không có biên giới là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ và tâm Xả.
Trước hết là tâm Từ. Chữ Phạn là Maitri, chữ Pàli là Metta. Maitri có nghĩa là khả năng hiến tặng niềm vui, hiến tặng hạnh phúc (The capacity to offer joy and happiness). Ðức Phật sắp ra đời để nối tiếp sự nghiệp của Phật Thích Ca tên là Maitreya, nghĩa là đức Phật của tình thương.

Thứ hai là tâm Bi, Karuna, có nghĩa là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Nó gồm ý chí muốn vơi đi nỗi khổ, muốn chuyển hóa nỗi khổ của con người; Và gồm cả phương pháp và khả năng chuyển hóa nỗi khổ.

Hỷ tức là Mudita, là niềm vui. Tình thương đích thực, có Từ, có Bi sẽ đem tới sự nhẹ nhõm và niềm vui tươi. Tình thương mà chứa chất sầu đau thì không phải là tình thương trong đạo Phật. Cho nên Mudita là một yếu tố của tình thương đích thực. Tình thương có thể đem lại cho người thương và người được thương hạnh phúc mới đúng là tình thương chân thật. Còn thứ tình thương mỗi ngày gây đau khổ và vướng mắc cho nhau, thì không phải là tình thương của đạo Phật. Hỷ là yếu tố thứ ba của tình thương ấy.

Và sau cùng, Xả (Upeksa) là sự nhẹ nhàng, thư thái, tự do và không kỳ thị. Thương như thế nào mà ta còn 
giữ được tự do cho ta và cho người ta thương thì mới đích thực là tình thương . Thương như thế nào mà hai người không dìu nhau vào ngục tù. Tình cha con, tình thầy trò, tình anh em, tình yêu nam nữ cũng vậy.
Tứ vô lượng tâm là giáo lý dạy rất đầy đủ về tình thương. Tình thương này có năng lực trị liệu. Từ, Bi, Hỷ, Xả không phải là triết lý, là mục tiêu xa xôi mà là sự thực tập. Từ không phải chỉ là ước muốn đem lại hạnh phúc cho người. Chính sự thực tập Từ đem lại hạnh phúc cho người. Có người càng thương thì càng làm cho người kia khổ. Thương như vậy chưa phải là Từ, mới chỉ có ý chí thương nhưng không có khả năng thương. Bi cũng vậy. Bi cũng là ước muốn và có khả năng làm vơi đi nỗi khổ. Hỷ là ước muốn và khả năng tạo hạnh phúc cho mình và người. Và Xả tức là ước muốn và khả năng hiến tặng sự tự do và sự không kỳ thị cho mình và cho người. 

Nếu không thực tập được chánh niệm thì ta không thể thực tập được tình thương. Chánh niệm cho chúng ta thấy được nhu yếu chuyển hóa khổ đau và nhu yếu hiến tặng niềm vui. Khi một người làm cho ta khổ thì chính người đó cũng đang bất an; Phản ứng của ta chỉ làm cho người đó thêm khổ, vì thế lại làm khổ chính ta hơn. Cái khả năng giúp ta nhận chân ra sự thật đó là chánh niệm. Từ, Bi, Hỷ, Xả phải thực hiện cho chính mình trước. Nếu ta không có bốn tâm đó trong ta thì ta không thể hiến tặng nó cho người khác. Phải đầu tư, phải gây vốn cho bốn vô lượng tâm. Vốn liếng của ta là công phu thực tập Tứ Diệu Ðế. Ði thiền hành cho đúng phép, có an lạc trong từng bước chân, nuôi dưỡng từng tế bào của cơ thể bằng hơi thở chánh niệm, đó là ta đang tự thương mình. Thương mình đích thực, ta làm cho rã bớt những nỗi sầu khổ, tưới vào bản thân những niềm vui.

Nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng những người xung quanh bằng tình thương, đó là sự thực tập của chúng ta. Và tình thương ở đây xuất phát từ Tuệ. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Bản chất của Từ Bi là Trí Tuệ. Thương mà không hiểu thì làm khổ người mình thương. Muốn hiến tặng niềm vui cho người, ta phải hiểu người. Con mắt chánh niệm phải quan sát. Cư xử với con cái cũng vậy, với cha mẹ cũng vậy. Chúng ta có thể nói rằng trong đạo Phật thương yêu được làm bằng một chất liệu gọi là hiểu biết. Mà hiểu biết là hoa trái của chánh niệm.

Nguyên tắc thực tập Tứ Diệu Ðế phải được thực tập ở đây.

Trước hết ta nhìn vào để thấy được những nỗi khổ. Sau khi nhận diện được sự thật thứ nhất về Khổ, ta mới tìm ra được những nguyên nhân gần xa của Khổ, tức là ta quán chiếu Tập. Và sự thực khi nào nắm được hai sự thật đầu ta mới biết con đường nào giúp người vượt qua những khổ đau, biết được Diệt và Ðạo. Thực tập Tứ Diệu Ðế là thực tập tình thương. Phật là một bậc Trí và Bi viên mãn. Thật ra, nếu Bi mà viên mãn thì Trí cũng viên mãn, và nếu Trí mà viên mãn thì Bi cũng viên mãn.Hai là một, một là hai. Trong Kinh Bát Ðại Nhân Giác nói rằng một vị Bồ Tát không đem tâm ghét những người đã làm điều ác. Những điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị, những vô minh căm thù đã được chất chứa từ lâu đã đưa tới những hành vi ác độc. “Bất tắng ác nhân” là bốn chữ trong Kinh Bát Ðại Nhân giác. Làm sao ta hiểu được bốn chữ “không ghét người ác” nếu ta quên tình thương, nếu ta chỉ dùng trí năng khô khan để hiểu? Trí năng khô khan gọi là càn tuệ, dired knowledge. Tình thương chỉ có làm bằng chất liệu hiểu biết, bằng tuệ giác chân thật, chữ Phạn là Prajna, phiên âm là Bát Nhã. Bát Nhã là hoa trái của sự quán chiếu. Không giận mình, không ghét người. Vì thấy những nguyên do sâu xa của mọi hành động nên ta thấy thương mình và thương người. Chất liệu của Từ phát xuất từ trái tim, và tưới trở lại cho trái tim. Thực tập Từ và Bi trên căn bản hiểu biết thì không bao giờ vướng mắc vào tình thương chiếm hữu. Thương mà không hiểu chỉ giam nhau vào ngục tù, tự giam mình vào ngục tù và làm khổ lẫn nhau. Người này lập ra nhà tù nhốt người kia vào cũng chỉ vì có thiện chí. Chồng với vợ, cha mẹ với con cái, bạn bè với nhau, khi thương nhau chúng ta vẫn thường giam nhau vào ngục tù, chỉ vì ta không biết được nhu yếu sâu xa đích thực của chính bản thân ta và của những người mà ta thương.

Tình thương chân thật được làm bằng sự hiểu biết. Tình thương chân thật phải đến niềm vui vô cầu, không vị lợi. Tu không phải là từ bỏ niềm vui. Niềm vui của người tu không phải chỉ phát sanh khi thấy người khác thành đạt và hạnh phúc, mà cả khi thấy mình nhẹ nhàng, thảnh thơi và có hạnh phúc. Khi tôi bước những bước thiền hành thảnh thơi, tôi tiếp xúc với nắng, tôi tiếp xúc với tiếng chim, tôi được nuôi dưỡng, tôi thư thái, đó là niềm vui, chữ Phạn là Mudita. Tu tập đúng pháp là nuôi dưỡng thân tâm bằng niềm vui và sự nhẹ nhàng. Làm như vậy là ta đang thực tập thương yêu, đang nuôi dưỡng tình yêu chân thật cho mình và những người xung quanh.

                                                THÍCH NHUẬN HẢI 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét