Social Icons

Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

"Bí quyết" tranh luận với sếp

Bạn đang tham gia cuộc họp nhân viên hằng tuần và chỉ vừa mới trình bày ý tưởng của mình về cách làm tăng năng suất, tiết kiệm tiền bạc cho công ty. Nhưng ngay lập tức sếp bác bỏ ý kiến của bạn mà không có lý do chính đáng. 

Bạn thấy rõ ràng là sếp đã sai. Vậy bạn nên giữ im lặng hay lên tiếng bảo vệ ý kiến của mình?

Joseph Grenny, đồng tác giả cuốn sách Sự đối đầu quan trọng, cho biết với nền tảng kỹ năng và kiến thức vững chắc, bạn có thể bất đồng ý kiến với sếp nhưng không tác động xấu tới mối quan hệ cũng như không ảnh hưởng tới công việc của bạn.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn thể hiện sự bất đồng với sếp mà không lo bị sa thải.

Nói thẳng ý kiến

Trước tiên, hãy đảm bảo rằng ý kiến của bạn là đúng đắn và có giá trị. Sau đó, thẳng thắn nói lên quan điểm của mình với sếp. “Khả năng làm chủ cuộc nói chuyện là yếu tố quan trọng trong các cuộc đối thoại nơi công sở. Nếu bạn không thể vượt qua những tình huống đối lập ý kiến với người khác, bạn sẽ gặp khó khăn trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình”, Grenny nói.

Emily Bennington, đồng tác giả cuốn sách Làm thế nào để hòa hợp, nổi bật và tiến xa trong công việc đầu tiên của bạn?, cũng đồng tình biết cách nói thẳng ý kiến góp phần tạo nên sự thành công. “Khi tiến lên trong công việc, bạn cần biết cách kiểm soát những cuộc nói chuyện tiêu cực. Và càng biết cách giải quyết sớm vấn đề, tình hình sẽ càng tốt hơn”, bà nói.

Đảm bảo rằng vấn đề của bạn đáng để sếp quan tâm

Nói lên ý kiến của mình là điều quan trọng nhưng bạn không nhất thiết phải bất đồng ý kiến với sếp cả về những chuyện nhỏ nhặt, không đáng quan tâm. Grenny nói: “Khi sếp đang bận rộn với công việc riêng của mình, bạn lại mang tới những chuyện không đâu, chắc hẳn anh/chị ấy sẽ phát cáu”.

Vậy những vấn đề đáng để sếp quan tâm là gì? Đó là những tình huống ảnh hưởng lớn tới hiệu quả công việc của bạn và công ty, hoặc khi bạn cần thú nhận sai lầm của mình. Bennington đưa ra lời khuyên: “Hãy luôn nói cho sếp biết những sai lầm của bạn khiến ảnh hưởng tới mối quan hệ với khách hàng. Một người sếp tốt sẽ lắng nghe vấn đề trước khi nó trở nên nghiêm trọng hơn”.

Cư xử khéo léo

Khi bất đồng ý kiến với sếp, bạn sẽ cảm thấy bức xúc, dẫn tới mất bình tĩnh và không ngại ngần tranh cãi với sếp ngay trước mặt người khác. Hãy bình tĩnh bởi giận dữ sẽ không giải tỏa căng thẳng của bạn mà còn làm tình huống xấu đi. Gửi cả đống email đôi co với sếp cũng không phải là giải pháp.

Trong tình huống này, bạn cần gặp mặt sếp trực tiếp. Bạn nên khéo léo hơn, chọn thời điểm thích hợp, đi tới phòng sếp nói chuyện hoặc hẹn gặp anh/chị ấy ở địa điểm riêng nào đó. Khi đó, cả hai bên đều bình tĩnh hơn để đi đến thống nhất vấn đề.

Nói chuyện bằng tông giọng thoải mái

Đừng bắt đầu cuộc nói chuyện với sếp bằng những lời nóng nảy, đầy tiêu cực. Hãy thoải mái nói về những khía cạnh đúng đắn của vấn đề. Sau đó, xác định mục đích và những gợi ý của bạn để giải quyết sự bất hòa.

Grenny bổ sung: “Nếu sếp vẫn tỏ vẻ phản đối, bạn hãy dừng nói và cân nhắc lại tình huống một cách nhanh chóng. Hãy chắc chắn rằng bạn đang đi đúng hướng và cuộc nói chuyện mang tính tích cực, xây dựng cho cả hai bên”.

Lấy công ty làm trọng tâm

Luôn lấy những chính sách, nội quy của công ty làm nền tảng cho phần tranh luận của bạn, Andrea Kay - chuyên gia nghề nghiệp - đưa ra lời khuyên. Đừng so sánh hay nói tới cách các công ty, tổ chức khác giải quyết vấn đề tương tự ra sao, nó chỉ làm sếp kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình trong giới hạn của công ty.

Cuối cùng, đừng bị kích động nếu sếp không ngay lập tức thay đổi ý kiến của mình. Dù chưa có sự thay đổi ngay nhưng bày tỏ ý kiến của mình sẽ chứng tỏ với sếp rằng bạn quan tâm và mong muốn sự thành công cho công ty.

                                                   Vũ Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét