Nhịp sống nhanh của nền kinh tế thị trường đã khiến nhiều người lo chạy theo vật chất mà quên đi giá trị thực sự của cuộc sống. Không chỉ điện thoại đắt tiền, xe xịn, áo quần hàng hiệu... mà ngay cả sự bận rộn cũng đang trở thành những “món trang sức” nhiều người cố tình tìm kiếm, khoác lên người nhằm tạo nên một phong cách sành điệu trong nhịp sống tất bật ngày nay. Thế nhưng, những giá trị phù phiếm ấy rồi cũng sẽ trải qua quy luật “nếm - ghiền - chán - thoát”, nhiều người giờ đây muốn quay lại lối sống giản đơn để nhận ra giá trị thực của bản thân mình.
Kiệt sức vì chạy đua
Vùi đầu vào làm thêm để mua được chiếc điện thoại đắt tiền hàng chục triệu đồng, đắm say ngây ngất khi lần đầu cầm nó trên tay vuốt ve, nhưng chỉ vài tháng sau cô sinh viên Hương Nga đã bắt đầu thấy tự ti khi cô bạn cùng lớp vừa sắm chiếc điện thoại đủ các tính năng giải trí đa phương tiện. Nga âm thầm nung nấu ý định phải kiếm tiền để mua bằng được chiếc điện thoại đó cho bằng chị bằng em.
Sau mấy tháng vắt kiệt sức làm thêm, cuối cùng Hương Nga cũng đã mua được chiếc điện thoại mơ ước. Nhưng chưa đầy một tháng sau thì một kiểu mới ra đời, được quảng cáo là “sự kết hợp hoàn hảo giữa thời trang và công nghệ cao”. Sau những ngày vật vã đấu tranh với nỗi thèm muốn sở hữu chiếc điện thoại đẳng cấp này, Nga nhận ra cuộc đua mình đang theo đuổi là một cuộc đua không có điểm dừng.
Ngay khi ra trường, nhờ gia đình có sự quen biết nên Lâm Long được nhận vào làm việc ở một công ty lớn. Sau hơn 3 năm miệt mài phấn đấu để được thăng tiến, anh trở thành trưởng phòng kinh doanh của công ty. Thế nhưng, một lần họp lớp, được biết một người bạn học chung nay đã là giám đốc chi nhánh của một công ty nước ngoài có tên tuổi, Long bỗng thấy buồn chán không sao lý giải được.
Anh lại vùi đầu vào công việc một cách miệt mài hơn để mong vượt qua người bạn học cũ của mình. Sau một trận ốm nặng vì kiệt sức do làm việc quá sức, anh nhận ra chức vị không phải là điều thật sự cần thiết. Một bàn tay thương yêu quan tâm chăm sóc lúc anh cảm thấy yếu ớt và cô đơn mới là điều anh khao khát trong những ngày nằm bệnh. Anh bắt đầu lên kế hoạch cho một cuộc sống không bon chen như trước. Một ngôi nhà nhỏ ấm cúng, một cô vợ ngoan hiền sẽ là đích phấn đấu của anh trong những ngày sắp tới
Quẳng gánh lo đi
Những ngày mới cưới, cặp vợ chồng trẻ Minh - Hà lao vào mua sắm không biết mệt mỏi để trang bị cho một cuộc sống riêng đầy đủ tiện nghi. Máy giặt, tủ lạnh, tivi... tất cả phải là đời mới nhất, loại tốt nhất. Kiến tha lâu đầy tổ, khi hai người cảm thấy yên tâm, hài lòng với sự đầy đủ của mình thì cả căn hộ chung cư 70 m2 đi đâu cũng va phải đồ đạc. Hai vợ chồng đi làm suốt ngày lại ăn cơm tiệm đến tối mới về, chẳng có thời gian dọn dẹp nên những món đồ được họ hăm hở mua sắm lúc đầu để mãi hàng tháng trời không dùng đến.
Do một biến cố, vợ chồng Hà cần phải chuyển nhà, lúc này họ mới ngao ngán vì đống đồ đạc đồ sộ cần phải vận chuyển... Một ngày, Hà nảy ra ý nghĩ tại sao không cho bớt các đồ đạc đi nếu không thật sự cần đến nó? Bàn bạc với chồng và cuối cùng họ chỉ giữ lại các món thiết yếu, còn lại hai người tình nguyện tặng cho một tổ chức từ thiện để giúp đỡ những người khó khăn.
Trong cuộc tọa đàm “Sống đơn giản” diễn ra mới đây, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Oanh tâm sự, bà từng gặp gỡ một người khá thành đạt trong chuyên môn, nhưng một điều lạ là người này không hề biết sử dụng điện thoại di động. Lúc đầu, bà ngạc nhiên không hiểu nổi một người như vậy sao lại có thể lạc hậu đến thế. Đáp lại sự ngạc nhiên đó, người bạn mỉm cười giải thích rằng mọi trào lưu rồi cũng không thể thoát khỏi quy luật “nếm-ghiền-chán-thoát”. Bây giờ không dùng điện thoại di động là lạc hậu, là đi sau, nhưng rồi sẽ đến lúc con người mệt mỏi với sự làm phiền của chiếc điện thoại, bởi nó chính là thủ phạm đánh cắp sự thoải mái, riêng tư cá nhân. Khi đó, người ta sẽ tìm cách thoát khỏi nó...
Học cách sống đơn giản
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Oanh, triết lý: “Hạnh phúc không phải là sở hữu thật nhiều mà là giảm thiểu ham muốn” giờ đây là phương châm sống của nhiều người. Phong trào sống đơn giản, sống chậm đang từ từ len lỏi vào những con người đã quá mệt mỏi với những tất bật của cuộc sống. Các lớp thiền, yoga xuất hiện nhiều chính là để đáp ứng nhu cầu đó.
Học theo cách của những người theo phong trào sống đơn giản ở phương Tây, nhiều người bỏ hết những món đồ không cần thiết, chuyển nhà từ nội thành ồn ào ra ngoại thành yên tĩnh để sống hòa mình với thiên nhiên, tự trồng rau trong vườn nhà, giảm bớt chi tiêu hoang phí, thường xuyên đi dạo ngoài trời, trò chuyện với những người xung quanh, làm từ thiện, bảo vệ môi trường... Họ coi đó là niềm vui, là ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét