Sau cuộc trò chuyện với 126.000 người Mỹ, Giáo sư Mary Gilhooly thuộc Đại học Paisley ở Scotland đã khẳng định rằng, những ai có niềm tin sâu sắc vào cuộc sống, sẽ ít bị bệnh tật hơn, những người lạc quan thì sẽ trơ lỳ với stress hơn và họ dễ thỏa mãn cuộc sống, không bao giờ cô độc.
Câu chuyện không tuyệt vọng trước những biến cố lớn trong đời, là câu chuyện về những con người biết tiếp tục yêu thương cuộc sống, dù hoàn cảnh có nghiệt ngã tới mức nào.
“Ở đâu có sự sống, nơi đó đầy hy vọng”, câu châm ngôn của một vị bác sỹ chuyên về ung thư ở Singapore đã thực sự là “thần chú” cho những người bệnh vượt khỏi lồng tuyệt vọng. Anh Phan Văn Hòa, một kỹ sư CNTT có tiếng ở Hà Nội, đã có niềm tin và từng ngày giành giật sự sống giúp vợ trước căn bệnh quái ác.
Anh lập ra trang web về ung thư để chia sẻ thông tin với mọi người: “Vợ tôi mắc một căn bệnh nan y: Ung thư phổi. Và ở tuổi 28! Bác sỹ nói trường hợp mắc bệnh ở tuổi này rất hiếm. Chỉ có thể quy về cho số phận… Tôi biết được chính xác về bệnh tật của vợ tôi mới được khoảng hơn 1 tháng rưỡi trước đây, khoảng mồng 9 Tết Ất Dậu, 2005.
Mới một tháng rưỡi, mà đối với tôi, là một khoảng thời gian dài bất tận. Dĩ nhiên là tôi có choáng váng khi nghe tin. Nhưng chỉ là một thoáng thôi. Còn lập tức sau khi biết tin, tôi biết mình bắt đầu phải vào một cuộc chiến mới. Có thể nói là cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Tôi không phải là bác sỹ. Và kể cả nếu tôi có là bác sỹ đi nữa, thì căn bệnh này nói chung vẫn là vô vọng. Thế nên tôi đã bắt đầu chiến đấu. Tôi vẫn đang chiến đấu và sẽ còn chiến đấu tiếp. Chưa biết tôi có thể cứu được vợ hay không? Chưa biết số phận sẽ còn thử thách chúng tôi đến đâu đi nữa… Nhưng chắc chắn tôi sẽ không thể đầu hàng một cách đơn giản” – anh Hòa chia sẻ với mọi người trên trang web của mình.
Và đôi vợ chồng trẻ đã quyết liệt sống và chữa trị trong mọi điều kiện có thể. Niềm hy vọng có thể sẽ không giúp người ta sống mãi, nhưng người ta sẽ sống lâu và sống đẹp hơn.
Dường như trong đời ai cũng có nỗi đau và sự mất mát. Ai cũng có khi gặp tai họa, bệnh tật bất kỳ. Nhưng ai gặm nhấm niềm tuyệt vọng của mình? Và ai sẽ tạo lập niềm tin để tiếp tục đi tới? Điều gì sẽ xảy ra khi một ca sỹ lại bị bệnh ở cuống họng và bác sỹ cảnh báo không thể tiếp tục hát? Đó chính là trường hợp của ca sỹ Nguyệt Anh, cựu thành viên của nhóm “Con gái”. Và cuối cùng, chị đã trị được bệnh của mình bằng một ý chí kiên cường, tiếp tục đi hát và phát hành album.
Điều gì sẽ xảy ra với một thanh niên bỗng chốc phát hiện cuộc sống của mình sắp kết thúc khi mình nhiễm HIV? Đó là trường hợp của Nguyễn Trọng Kiên, một họa sỹ trẻ. Anh đã tiếp tục vẽ và có những triển lãm tranh. Điều gì sẽ đợi một cô gái tật nguyền từ nhỏ, sinh ra trong một hoàn cảnh nghèo khó? Đó là trường hợp của Trần Thị Ngọc Lan, người đã coi văn chương là điểm tựa, để bước đi mạnh mẽ trên đôi chân bại liệt của mình…
Tiếp tục sống sau biến cố là cách để chúng ta tri ân cuộc đời. Bởi, được sinh ra đã là một niềm hạnh phúc to lớn. Và không có gì đáng tuyệt vọng, bởi ngày mai bao giờ cũng là một ngày mới. Sống mỗi ngày trong niềm hy vọng và hòa nhập tuyệt đối với cuộc đời, đó là “liệu pháp spa” đáng giá nhất. Bởi, ngày vẫn còn dài và tình vẫn còn đầy. Không có gì phải tuyệt vọng. Vì còn có ngày mai…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét