Một triết gia Tây phương đã nói rằng“Chẳng có con đường nào dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường”, xem ra hai chữ hạnh phúc quả thật khó cắt nghĩa.
Khoảng 23 thế kỷ trước, nhà bác học Aristotle nói rằng hạnh phúc là một cái gì đó rất quan trọng mà cuối cùng nhiều người phải chọn lựa, hay nói một cách khác, khi ta có nhiều thứ trên đời mà thiếu hạnh phúc thì cuộc đời cũng vô nghĩa.
Như nhà thơ Xuân Diệu đã từng không giải thích nổi hai chữ tình yêu (Làm sao cắt nghĩa được tình yêu), hạnh phúc cũng như vậy, một loại danh từ trừu tượng ta chỉ cảm nhận mà thôi. Trong Phúc Lộc Thọ, hạnh phúc (Phúc) khác với tiền tài (Lộc) và sống lâu (Thọ) ở chỗ không thể thấy hoặc đo đếm được.
Hạnh phúc quả thật khó cắt nghĩa. Hạnh phúc khi ẩn khi hiện, khi có khi không, chỉ do chính mình tự cảm nhận. Khi gặp một người giàu có, ta nói người ấy hạnh phúc quá, thì chưa chắc đã đúng. Khi thấy một cặp vợ chồng nghèo làm lụng vất vả nuôi con, ta cảm thương họ bất hạnh hẳn rất sai. Vì nếu có dịp nói chuyện với đôi vợ chồng nghèo này chưa chắc ta đã nghe những lời than van như người giàu có kia.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, người không có hạnh phúc là người luôn chú trọng đến mình, không chấp nhận ý kiến người khác. Ngược lại, người hạnh phúc là người luôn hòa đồng và lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh.
Người Việt mình khi gặp điều may mắn hay dùng hai tiếng “trời cho”, nhưng theo Đức Dalai Lama trong cuốn Nghệ thuật hạnh phúc thì hạnh phúc tự ta có thể tìm được bằng cách điều khiển ý nghĩ trong đầu mình. Nếu nghĩ mình đã có hạnh phúc tức là mình đã có hạnh phúc.
Người Phật tử thường hay chúc nhau “Thân tâm thường an lạc”, tức là chúc nhau sự bình an, chứ không chúc nhau nhiều tiền bạc của cải. Khi ta có đủ cơm no áo ấm, có nhà cửa che mưa che nắng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não là ta đã có đủ cái căn bản của hạnh phúc. Một trong những điều làm ta mất hạnh phúc là đem so sánh những gì mình có với những gì người khác có hơn mình. Điều đó khiến ta không cảm thấy bằng lòng với hiện tại mà cứ chạy theo mệt nhoài vì đuổi bắt cho kịp người khác trong trào lưu văn minh vật chất và nhu cầu được hưởng thụ cao. Không ít gia đình lẽ ra họ xứng đáng được hạnh phúc nhưng lại tự đánh mất hạnh phúc vì cứ so sánh những gì người khác có. Vậy nên ta hãy cảm thấy hạnh phúc với những gì mình có và tự nhủ rằng, người ở nhà to và đi xe đẹp có trăm thứ phải lo nên chắc gì đã hạnh phúc, nghĩ được như vậy ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Hạnh phúc chinh là con đưởng mà ta đang bước đi qua nó
Sống là phải có ước mơ, nhưng ước mơ thì vô tận, không giới hạn và không có điểm dừng. Ước mơ làm thăng hoa cuộc sống nhưng những cái ước muốn quá sức, không chính đáng sẽ làm mất hạnh phúc.
Và cũng thật mâu thuẫn, một trong những điều làm cho ta hạnh phúc cũng là so sánh. Đã có lúc ta bực mình và nóng nảy khi trên đường bị kẹt xe vì có một vụ tai nạn. Nhưng chợt nghĩ, ta vẫn còn may mắn và hạnh phúc hơn người bị tai nạn đang nằm trên xe cứu thương kia. Sự so sánh đó làm cho nỗi bực bội tan biến trong khoảnh khắc.
Khi ta nhìn thấy hình ảnh những nạn nhân bão lụt trên những thước phim thời sự, ta sẽ thấy trời Phật giúp ta nhiều quá, ta đã có quá nhiều hạnh phúc còn mong muốn gì hơn nữa. Quả đúng như câu nói: “Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình”. Đó là quan điểm sống hạnh phúc giúp người ta an nhiên tự tại hơn.
Đức Dalai Lama trong cuốn Nghệ thuật hạnh phúc đã cho chúng ta một thông điệp về hạnh phúc: “Chúng ta không cần thêm tiền, chúng ta không cần thành công hơn nữa, chúng ta không cần có một thân hình hoàn hảo, và ngay chúng ta cũng không cần một người bạn đường hoàn hảo”. Điều ấy cho thấy tiền bạc của cải và những ham muốn ở thế gian không phải là yếu tố duy nhất làm nên hạnh phúc. Thông điệp ấy chứa đựng một triết lý Đông phương rất thâm sâu về chuyển hóa tham, sân, si của đạo Phật.
Phương Đông và phương Tây có nhiều quan niệm không giống nhau nhưng quan niệm về hạnh phúc thì đã gặp nhau ở một điểm. Đó là hạnh phúc là cái gì quý nhất trên trên đời, “là cái đích cuối cùng mà con người mong muốn” (Aristotle).
Người phương Tây chơi chữ bằng một câu: “Present is present”, có nghĩa là “hiện tại là quà tặng”, hay có thể nói hãy an hưởng những gì mình đang có bây giờ. Đạo Phật cũng có pháp môn tu “Hiện pháp lạc trú”. Một bước chân là ta đặt một dấu ấn hạnh phúc, hạnh phúc trong từng bước chân của ta trong giây phút hiện tại, không vấn vương quá khứ và lo nghĩ tương lai.
Không có cái vui nào trên đời mà hoàn hảo cả, nên hãy từ tốn đón nhận và thưởng thức. Không có cái buồn hay bất hạnh nào là miên viễn cả, nên chẳng vội bi quan. Nếu ta cho đó là chuyện bình thường trong cuộc sống rồi nó sẽ qua đi, như các cụ đã dạy: “Sông có khúc, người có lúc”.
Hạnh phúc quả là một cảm giác chủ quan tự mình chế tác khi gặp những sự kiện tác động trực tiếp đến với mình. Hạnh phúc là tất cả những thần dược của cuộc sống. Sự sung sướng, niềm đau khổ, giọt nước mắt, những nụ cười…, là những chất liệu để mang thêm cho mình lòng yêu thương, vị tha đến với gia đình và mọi người sống xung quanh.
Ta đang bước những bước chân an lạc hạnh phúc trên con đường hạnh phúc an lạc.
Lê Đàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét