“Chính ước nguyện xóa đi hình ảnh những căn nhà tồi tàn đã thôi thúc chúng tôi vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại trên đường đời. Và, với sự phù trợ của Thượng Đế, chúng tôi chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu nhà ở cho mười triệu người, lần lượt mỗi lần từng căn một” - Millard Fuller.
Millard Fuller đang chung tay xây căn nhà tình thương |
Nếu giấc mơ Mỹ có nghĩa là tạo dựng một gia tài khổng lồ từ hai bàn tay trắng thì câu chuyện của Millard Fuller quả là một minh chứng điển hình. Nhưng giấc mơ của Millard chẳng bao lâu sau trở thành cơn ác mộng và anh đã quyết tâm sửa đổi nó.
Trước khi bước vào tuổi ba mươi, Millard đã có trong tay một triệu đô la cùng tham vọng kiếm được mười triệu đô la nữa, bởi anh đã sở hữu đầy đủ mọi kỹ năng và nguồn lực để thực hiện tham vọng đó. Anh có một biệt thự sang trọng, một nhà nghỉ bên hồ, hai ngàn héc-ta đất, vài chiếc thuyền cao tốc và nhiều xe hơi đắt tiền. Anh có vợ và hai con cùng những cơn đau thắt ngực và một thời gian biểu dày đặc với công việc. Đế chế kinh doanh của Millard ngày càng lớn mạnh nhưng cuộc sống hôn nhân của anh thì ngày càng bế tắc. Âu đó cũng là chuyện thường thấy ở những người luôn bị cuốn hút vào giàu sang và quyền lực. Nhưng Millard, một trong một triệu phú của thế giới đã dám làm một cuộc thay đổi.
Mọi việc bắt đầu vào ngày Millard bị một cơn đau tim bất ngờ ập đến khi đang ở văn phòng. Đó không phải là cơn đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu hay xơ cứng động mạch vành mà là do sự đau buồn và lòng ân hận bất ngờ tràn ngập tâm can và làm tim anh như ngừng đập. Đó là khi Linda, vợ anh, gọi điện nói rằng cô không còn ý nghĩ rằng mình đang có một người chồng, rằng cô không biết mình có còn yêu anh nữa không, và cô sẽ đi New York gặp một mục sư nào đó để giãi bày hoàn cảnh của mình. Millard choáng váng. Anh đã dành cho cô tất cả mọi thứ trên đời mà tiền bạc có thể mua được. Sao cô ấy có thể không yêu anh cơ chứ?
“Tuần lễ sau đó là chuỗi ngày cô độc nhất và đau khổ nhất cuộc đời tôi”, Millard nhớ lại. Anh bắt đầu nhận ra rằng sự thành công trong kinh doanh của anh buộc anh phải trả giá bằng tất cả những gì anh thực sự quan tâm trong đời. Điều này càng được khẳng định khi anh xem một bộ phim với lời giới thiệu “Một cuộc đời được sắp đặt trước chỉ là một sự chịu đựng”. Một cuộc sống định sẵn? Vâng, đó chính xác là tình cảnh hiện tại của Millard và gia đình anh. Và anh đã không gắn nó vào một mục đích có ý nghĩa nào.
Millard gọi điện cho Linda và khẩn cầu xin cô cho anh được gặp. Linda miễn cưỡng đồng ý. Thế là Millard đáp máy bay đi ngay đến New York. Những ngày sau đó chỉ toàn nước mắt cùng sự thổn thức của hai con tim đau khổ. Rồi họ cam kết làm lại từ đầu với những gì thực sự có ý nghĩa cho cuộc sống gia đình. “Cả hai chúng tôi dường như cảm nhận được sự hiện diện của Thượng Đế khi chúng tôi bàn chuyện tương lai. Chúng tôi cảm thấy mình như đang được ơn trên soi sáng và dẫn dắt tới một cách sống mới”, Millard nói.
Và để bắt đầu, Millard và Linda quyết định trước tiên phải từ bỏ những thứ đã tạo ra bức tường ngăn cách giữa họ và Thượng Đế – tức chuyện kinh doanh và mọi của cải vật chất.
Họ đã bán tất cả - công ty, nhà cửa, xe cộ, thuyền bè và hiến tặng cho nhà thờ, trường học và các quỹ từ thiện. Bạn bè cho rằng Millard phát điên rồ, còn anh thì lại cảm thấy mình chưa bao giờ sáng suốt hơn thế. Millard cảm thấy thư thái hơn, nhưng tiếp theo phải làm gì đây?
Câu trả lời đến với Millard khi anh cùng đi với Clarence Jordan, một nhà thần học Thiên Chúa giáo, đến thăm một cộng đồng giáo dân do Clarence tập hợp và đặt tên là Koinonia. Đó là một ngôi làng nhỏ gần thị trấn Americus thuộc bang Georgia, cách Atlanta 140 dặm về hướng nam. Clarence chỉ cho Millard thấy hàng loạt những căn nhà tạm bợ, tồi tàn dọc theo những con đường bẩn thỉu của vùng đồng quê. Đó là nơi trú ngụ của hàng trăm gia đình nghèo khó, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần – một trong hàng trăm nghìn cảnh tượng đang tồn tại trên khắp đất nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, vì 25% dân số thế giới, tương đương 1,5 tỷ người, hiện đang sống dưới mức nghèo khổ, thậm chí không chốn nương thân.
Thế là Millard, Clarence và các cộng sự bắt tay dựng nhà cho những người cơ nhỡ. Buồn thay, khi căn nhà đầu tiên đang trong quá trình xây dựng thì Clarence đột ngột qua đời vì một cơn đau tim. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà cho dân nghèo làng Koinonia vẫn được tiến hành liên tục trong bốn năm rưỡi sau đó.
Xúc động trước ảnh hưởng mạnh mẽ của những căn nhà đơn sơ nhưng tươm tất đối với các gia đình nghèo khó ở Koinonia, Millard muốn kiểm chứng hiệu quả của hoạt động thiện nguyện này bên ngoài ranh giới bang Georgia. Thế là Millard cùng vợ đi Zaïre, Trung Phi, phối hợp với Hội thánh Tin Lành địa phương thực hiện nhiều dự án xây nhà cho người nghèo tại quốc gia này trong ba năm liên tục. Cuối cùng, Millard tin rằng tư tưởng chủ đạo trong việc làm của họ có thể phát huy tác dụng khắp mọi nơi trên thế giới. Họ trở về Georgia năm 1976 và quyết định thành lập Tổ chức Habitat for Humanity International (tạm dịch: Tổ chức Nhân đạo Quốc tế về Nhà ở).
Nếu Millard từng quyết tâm kiếm được 10 triệu đô la thì giờ đây ông chỉ muốn xây nhà cho 10 triệu người đang gặp khó khăn về nhà ở. Cả Millard và Linda đều tâm niệm rằng “ai cũng cần một mái ấm, dù đơn sơ, để gối đầu ngả lưng khi đêm về”. Và họ xem đó là lý tưởng của đời mình. Họ tin rằng xây nhà bán trả góp không lấy lãi cho người nghèo là thể hiện sự thành tâm và lòng bác ái bằng hành động cụ thể – đó mới là chân đạo.
Tôn chỉ của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế về Nhà ở chỉ đơn giản là thế. Thoạt đầu, nhiều người cho rằng điều đó là phi thực tế, thậm chí là điên rồ khi biết đó là một tổ chức phi lợi nhuận, chỉ xây nhà bán với giá vốn. Những người khác thì cho rằng đó không phải là tư duy kiểu Mỹ và sẽ không mang lại kết quả gì. Nhưng Habitat đã hoạt động tốt. Nó đã giúp vô số người có thu nhập khiêm tốn, nhà cửa tồi tàn có cơ hội sở hữu một căn nhà mới đàng hoàng hơn và phù hợp với khả năng tài chính của họ.
Việc xây những căn nhà mới của Habitat hầu như chỉ nhờ vào các tình nguyện viên, mà đa phần họ không có kinh nghiệm gì về xây dựng. Riêng tiền bạc và vật tư xây dựng thì được nhiều tổ chức xã hội, công ty và nhà thờ quyên tặng. Nhiều người ở mọi tầng lớp xã hội đã góp công góp sức vào công việc nhân đạo này bất cứ khi nào họ có thể. Habitat cũng không hẳn là một tổ chức từ thiện bởi các gia đình được nhận nhà cũng chung tay với Habitat xây dựng căn nhà của chính họ và cả nhà của những người hàng xóm. Khi người mua thanh toán tiền nhà, những đồng tiền đó lại được sử dụng để tiếp tục xây nên những căn nhà mới.
Tại sao nhiều người, nhiều tổ chức sẵn sàng đóng góp cho Habitat? Đó là vì những kết quả thu được thật rõ ràng. Nhu cầu thì vô tận mà sức lực của con người thường có giới hạn, vì thế khó mà tạo ra được sự khác biệt lớn lao nào nếu không có sự đồng lòng hợp sức. Ở Habitat, những người tình nguyện và những người chủ nhà tương lai cùng làm việc kề vai sát cánh bên nhau. Khi một căn nhà được xây xong, mọi người cùng chia sẻ với chủ nhà niềm sung sướng và tự hào khi ngắm nhìn thành quả chung của họ.
Mục tiêu của Habitat là thay thế những khu nhà tồi tàn bằng những căn nhà mới tươm tất hơn, đồng thời giải quyết nhu cầu nhà ở cho người vô gia cư khắp mọi nơi.
“Tôi nhận ra rằng sự táo bạo trong các mục tiêu của chúng tôi đã làm lay động lòng người. Cứ mỗi năm trôi qua, chúng tôi lại kinh ngạc trước những điều kỳ diệu mới được tạo ra từ sự táo bạo ấy”, Millard nói.
Thông qua kế hoạch của Millard, Habitat đã xây được hơn 60.000 căn nhà trên khắp thế giới, giúp hơn 300.000 người có nhà ở ổn định, tươm tất và phù hợp với thu nhập khiêm tốn của họ. Đến nay, Habitat đã có hơn 1.400 chi nhánh khắp 50 bang nước Mỹ và trên 250 văn phòng đại diện ở nước ngoài. Họ cũng điều phối khoảng 800 dự án xây dựng ở 51 quốc gia trên thế giới.
Habitat không chỉ dựng nên những căn nhà, mà họ đã xây dựng nên những gia đình, những cộng đồng và cả niềm hy vọng lớn lao. Millard giải thích rằng: “Có an cư thì mới lạc nghiệp. Chính những căn nhà có thể chống chọi với cuồng phong, mưa lũ, động đất nhẹ đã giúp xã hội giành lại những con người lương thiện khỏi tay bọn buôn bán ma túy và làm thay đổi triệt để cái nghèo”.
Habitat cũng giúp mọi cá nhân thuộc mọi ngành nghề, giai cấp, địa vị xã hội, tôn giáo,… xích lại gần nhau. Hầu như người dân Mỹ nào cũng đã từng thấy hình ảnh Tổng thống Jimmy Carter và Đệ nhất Phu nhân Rosalynn Carter trong trang phục áo liền quần của công nhân, đóng đinh, cưa gỗ dưới cái nắng gay gắt giữa trời. Millard nhận được sự ủng hộ của họ đơn giản bằng việc thỉnh ý họ. “Tôi đã đệ trình Tổng thống 15 thỉnh nguyện với hy vọng chỉ một hay hai trong số đó được đồng ý đã là quá tốt”, Millard kể lại. “Nhưng, trong sự vui mừng khôn tả của chúng tôi, Tổng thống đồng ý tất cả!”.
Gia đình Tổng thống Carter chỉ là một trong số những tấm gương nổi bật nhất về những người tham gia vào các hoạt động thiện nguyện của Habitat bằng sự ủng hộ tích cực cả tiền tài và sức lực trong quá trình xây đắp những mái ấm, mang đến hạnh phúc cho những người nghèo khó, cơ nhỡ.
Vào cuối thế kỷ 20, Habitat đã trở thành nhà xây dựng lớn nhất thế giới, xét trên tiêu chí số lượng công trình xây dựng hoàn thành. Từng viên gạch, từng bay hồ không chỉ tạo ra những căn nhà mang dấu ấn Habitat, mà còn xây nên những cuộc đời mới.
Tất cả bắt nguồn từ sự từ bỏ của cải vật chất của một đôi vợ chồng trẻ để đổi lấy những giá trị tốt đẹp hơn. Giờ đây, Millard và Linda tin rằng họ là hai trong số những người giàu có nhất trên đời.
“Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng bên trong mỗi con người, giúp con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh” - Keith Harrell.
(Trích từ "Nơi nào có ý chí - Nơi đó có con đường" - Cynthia Kersey)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét