“Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến hơi thở cuối cùng của mình. Tôi đã từng nghe một đứa trẻ khóc trong tuyệt vọng, đã từng thấy một đứa trẻ mỉm cười trong hy vọng. Tôi thích ngắm nhìn những nụ cười như thế và việc mang lại một niềm vui, dù nhỏ bé cho những người bạn nhỏ mới thực sự là điều quan trọng đối với tôi” - Linda Bremner.
Tuần nào Linda Bremner cũng đều đặn gửi đi rất nhiều thư cho những đứa trẻ mà cô chưa từng biết mặt. Không giống như những bậc làm cha mẹ thường không cho phép con mình nhận thư của người lạ, phần lớn cha mẹ bọn trẻ và kể cả chúng luôn hồi âm cho cô. Họ viết thư cảm ơn Linda vì cô đã mang đến cho con cái họ niềm hy vọng và cơ hội kéo dài cuộc sống. Những lá thư của cô thực sự làm bọn trẻ cảm thấy phấn khích mỗi khi thoáng nhìn thấy bóng dáng của người phát thư.
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 11 năm 1980. Khi đó, cậu con trai Andy 8 tuổi của Linda được các bác sĩ phát hiện bị ung thư máu. Sau đợt hóa trị đầu tiên ở bệnh viện, Andy trở về nhà và nhận được hàng tá bưu thiếp cùng những lá thư chúc mừng, động viên của bạn bè và người thân. Linda bồi hồi nhớ lại: “Dù Andy có buồn đến thế nào nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy bóng dáng người đưa thư là nó lại phấn chấn hẳn lên”.
Rồi những lá thư và tấm thiệp ấy ngày càng thưa dần và tinh thần cậu bé cũng sa sút theo đó. Thương con, Linda bèn tự mình viết một lá thư thật lạc quan và gửi cho Andy. Bên dưới lá thư, cô ký tên là “Một người bạn bí mật”. Nhận được thư, Andy lại vui vẻ và hoạt bát như trước. Kể từ đó, không ngày nào Linda không gởi một lá thư cho cậu con trai bé bỏng của mình.
Khoảng một tháng sau đó, Linda để ý thấy Andy vẽ một bức tranh hai chú kỳ lân. Cậu bé bảo để tặng cho “Người bạn bí mật” của mình. Tối đó, sau khi Andy đã ngủ say, Linda cầm bức tranh lên xem và phát hiện dòng chữ ở cuối bức tranh: “Mẹ ơi, con yêu Mẹ lắm!”.
Vậy là Andy đã biết ai là người đã gửi những lá thư nọ! Tuy nhiên, chuyện này cũng không sao – điều quan trọng là những lá thư đó đã giúp cậu cảm thấy hạnh phúc và vui hơn rất nhiều. Bốn năm sau đó, Andy từ giã cõi đời vào ngày 31 tháng 8 năm 1984.
Linda tâm sự: “Mặc dù tôi vẫn còn hai đứa con khác, nhưng Andy đã để lại cho tôi niềm thương tiếc và nỗi đau buồn vô hạn. Tôi như vỡ vụn trước cái chết của con mình”. Trong một lần sắp xếp lại đồ đạc của Andy, Linda nhìn thấy một cuốn sổ tay nhỏ bên trong một chiếc hộp đựng giày. Cậu bé đã ghi lại địa chỉ của tất cả những người bạn mà cậu đã làm quen không lâu trước đó, trong một cuộc cắm trại dành cho các bệnh nhân ung thư trẻ tuổi. Cầm quyển sổ địa chỉ trong tay, Linda nghĩ chắc hẳn Andy sẽ rất vui nếu cô tiếp tục làm “Người bạn bí mật” của những người bạn mới quen của cậu.
Thế là Linda quyết định gửi đến mỗi người bạn nhỏ ấy một tấm thiệp. Chưa tròn danh sách thì cô nhận được một bức thư cảm ơn của một cậu bé 12 tuổi. Cậu bé viết “Cháu nghĩ chắc chẳng có ai biết cháu vẫn còn sống trên đời này…” Những dòng chữ làm Linda nhận ra rằng quanh cô có rất nhiều người đang nếm trải những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Cô bật khóc, không phải cho mình, cũng không phải cho Andy mà cho cậu bé đang sống trong cô độc và sợ hãi đang cần người vỗ về.
Vừa trả lời thư cậu bé xong, Linda tiếp tục nhận được một bức thư khác của một đứa trẻ khác có tên trong danh sách của Andy. Thế là Linda đã nhận ra một tiếng gọi. Cô cảm thấy sự quan tâm đó mang đến niềm say mê và ý nghĩa đích thực cho cuộc đời cô. Cô nguyện sẽ viết thư cho bất cứ đứa trẻ nào cần đến những lời động viên, chia sẻ của cô cho đến khi nào chúng không có thể hồi âm cho cô được nữa.
Những tấm thiệp và những lá thư gửi đi của Linda đều rất ngắn gọn, lời lẽ lạc quan và không hề sao chép theo khuôn mẫu. Các bạn nhỏ và cha mẹ chúng đón nhận sự quan tâm, chia sẻ của cô và họ rất vui khi có một người bạn mới như cô. Ý tưởng thành lập một tổ chức của những người viết thư thiện nguyện cũng bắt đầu từ đây. Bạn bè, thậm chí những người hàng xóm của cô đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ cô thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Họ đặt tên cho tổ chức của họ là Love Letters (Những Lá thư Tình yêu).
Cùng sát cánh bên nhau, Linda và đội quân tình nguyện của mình đã làm việc không mệt mỏi để giúp cho những người bạn trẻ chống chọi với căn bệnh bằng niềm vui sống. Rồi Love Letters phải đối mặt với một thử thách lớn cần phải vượt qua: đó là ước mong được nhận những lá thư tình yêu như vậy ngày càng nhiều trong khi khả năng tài chính của họ là hạn hẹp. Với sự hỗ trợ của cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức như Rotary Club, Hội Doanh nghiệp trẻ, … Love Letters đã có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình nhờ tiền bạc, văn phòng làm việc và cả những con tem do mọi người quyên góp.
Love Letters cũng viết thư kêu gọi lòng hảo tâm của 40 công ty lớn nhưng kết quả không như họ mong đợi. Dù vậy, Love Letters chưa bao giờ bỏ lỡ một bức thư nào của những người bạn nhỏ. Đối với Linda và 35 tình nguyện viên khác nữa, những người bạn nhỏ ấy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mọi người luôn động viên họ, khi thì mua ủng hộ họ vài chiếc bánh nướng, lúc thì chiếc áo thun, hoặc chỉ đơn giản là dốc hết những đồng tiền nhỏ bé còn lại trong túi mình ra quyên góp cho Love Letters.
Đến nay, sau 10 năm kể từ ngày Linda gửi bức thư đầu tiên đến cậu bé mà cô không hề quen biết, mỗi năm Love Letters đã gửi đi tất cả 60.000 lá thư tình yêu như thế. Tuy có lúc gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động, nhưng tấm lòng và quyết tâm cao độ ở Love Letters thì lúc nào cũng có.
Có đến ba mươi lăm người tình nguyện dành ra khoảng 400 giờ mỗi tuần để trao đổi thư từ với khoảng 1.100 trẻ em ở khắp nơi. Hàng tháng, họ chuyển từ 90 đến 110 món quà sinh nhật cho những người bạn nhỏ của họ. Riêng đối với những cô bé, cậu bé nào đang phải vượt qua giai đoạn đau đớn nhất của căn bệnh, Love Letters đều cố gắng gửi thư động viên mỗi ngày. Mỗi năm, Love Letters phải chia tay với khoảng 200 người bạn nhỏ tuổi, hoặc do các em đã hồi phục tốt, hoặc không qua được căn bệnh hiểm nghèo. Điều đáng buồn là, danh sách thư tín của Love Letters cứ luôn dài ra thêm.
Riêng Linda, hàng tuần, cô đều dành 70 đến 80 giờ đồng hồ để điều hành và bảo đảm cho sự hoạt động liên tục của Love Letters. Mỗi khi cô gần như kiệt sức vì mệt thì một cuộc điện thoại gọi đến để giãi bày hay để bày tỏ lòng biết ơn chân thành lại bồi đắp thêm sức lực và quyết tâm cho cô. “Nó làm tôi khỏe lại, bởi chính tôi là người đầu tiên hiểu được sức mạnh của một bức thư động viên, chia sẻ trong việc chữa lành những vết thương trong tâm hồn.”
(Trích từ "Nơi nào có ý chí - Nơi đó có con đường" - Cynthia Kersey)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét