“Không cãi cọ, giận hờn thì tình yêu sẽ mất đi vị cay thú vị” – nhiều người thường nghĩ như thế về những chuyện cãi vã nho nhỏ trong nhà.
Thế nhưng nếu bạn và chồng quá say mê cái hương vị cay nồng này thì sẽ có một lúc nào đó, bạn chợt nhận ra rằng người yêu thương của bạn đã trở thành một kẻ xa lạ. Và tốt hơn hết là đừng để xảy ra cãi cọ thay vì chuẩn bị sẵn sàng tư thế để dập tắt nó.
1. Hãy quan tâm đến người bạn đời nhiều hơn
Hãy cố gắng biết về anh ấy nhiều hơn : anh ấy quan tâm đến điều gì, những đam mê của anh ấy ngoài công việc là gì? Hãy cố gắng biết rõ không chỉ những ưu điểm, mà cả những mặt yếu trong tính cách của anh ấy.
Người nào chỉ biết quan tâm đến những những vấn đề riêng của mình, người đó thực sự rất khó có mối quan hệ tốt với người bạn đời. Sự hiểu biết thấu đáo về nhau sẽ làm giảm bớt số lượng nguyên nhân của các cuộc cãi vã.
2. Hãy lắng nghe anh ấy
Khả năng biết lắng nghe một cách chăm chú luôn là một trong những điều kiện đề bạn có được những mối quan hệ tốt. Đôi khi, phẩm chất này được đánh giá cao hơn hẳn khả năng "biết nói". Gia đình cũng không là điều ngoại lệ.
Bạn có bao giờ trút lên đầu ông chồng đang mệt nhoài sau khi rời khỏi nơi làm việc đủ mọi loại chuyện, từ những tin tức sự kiện về gia đình người hàng xóm láng giếng, đến những lời ca cẩm phàn nàn về con cái?
Vậy thì bạn đừng chờ đợi một bầu không khí gia đình dễ chịu. Bởi nếu bạn nói "liên chi hồ điệp" như thế, anh ấy chỉ còn biết im lặng và cố gắng tập trung suy nghĩ để chia sẻ những thông tin đó của bạn. Trong khi đó tốt nhất là bạn hãy lắng nghe anh ấy trò chuyện, và sau đó hãy “ca thán” những vấn đề của mình
3. Hãy nói những gì anh ấy quan tâm
Người nói cần phải cảm thấy rằng người đối diện không chỉ lắng nghe mà còn theo dõi, phân tích logic của câu chuyện và cảm thông với anh ấy. Vì thế bạn hãy chú ý xem điều gì là chủ yếu nhất trong câu chuyện anh ấy kể.
4. Đừng lạm dụng sự phê bình
Sự phê bình luôn luôn sẽ là một con dao hai lưỡi, nó có thể tác động đến cả hai phía. Nếu bạn bắt đầu phê bình, không nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ nhận được những điều đúng như thế. Nếu bà vợ nói với chồng rằng khi ông ta không cạo râu, trông ông ta thật xấu xí, bà vợ ấy có thể sẽ được nghe câu trả lời : “Hãy nhìn lại mình đi đã rồi mới chỉ trích người khác”.
Sự phê bình, nếu cần thiết phải có thì nên hết sức khéo léo, bạn hãy nói cả những điều tích cực và đừng phủ nhận hoàn toàn những phẩm chất của chồng. Cách phê bình tốt nhất là sự gợi ý, giúp anh ấy tự nói ra khuyết điểm của mình. Nhất thiết không nên công kích, móc ngoéo. Sự phê bình nên thẳng thắn và đi kèm cùng với một đánh giá tốt nào đó về anh ấy trong cùng một vấn đề.
5. Hãy cẩn thận với những mệnh lệnh!
Đại đa số mọi người không thích bị ra lệnh, bị nhắc nhở về nghĩa vụ của mình, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng, khi mà cả hai đều có cảm giác đó là mối quan hệ bình đẳng. Để tránh gây ra những phản ứng khó chịu vì các mệnh lệnh của mình, tốt hơn hết hãy biến nó thành lời yêu cầu, nhờ cậy giúp đỡ.
6. Hãy biết thừa nhận lỗi của mình
Nếu bạn nhận lỗi và sửa lỗi một cách đúng lúc, bạn sẽ tránh được các cuộc cãi cọ, mâu thuẫn trong gia đình. Nhất là nếu bạn thành thực nhận phần lỗi về mình, bạn có thể vượt qua được tình huống mâu thuẫn căng thẳng nhất.
7. Hãy khen ngợi anh ấy nhiều hơn và thậm chí lý tưởng hóa hình ảnh anh ấy một chút
Thường thường bạn có thể cáu kỉnh vì những gì bạn không hài lòng, thế nhưng khi bạn hài lòng, bạn lại im lặng. Khi những món đồ ăn của vợ nấu làm đức ông chồng ngon miệng, chả mấy khi có ông nào khen ngợi ngay lập tức. Nhưng nếu ông ta không thích món ăn ấy, ông ta lập tức chê bai. Trong khi đó, đúng sách lược chiến thuật trong đời sống gia đình thì mọi việc phải làm ngược lại.
Trong các cuộc trò chuyện, tốt hơn hết là bạn hãy thần tượng anh ấy hơn một chút, hãy để anh ấy nhìn thấy hình ảnh của mình trong mắt bạn giống như mẫu hình mà bạn muốn anh ấy trở thành, điều đó rất có tác dụng tốt.
8. Hãy đặt mình vào vị trí của anh ấy
Trong các cuộc tranh cãi, mỗi người thường nhìn sự việc theo quan điểm riêng của mình. Thí dụ : chồng về muộn và ăn tối có vẻ uể oải. Anh ấy mệt mỏi, căng thẳng và đang tập trung vào những suy nghĩ của mình nên ăn rất thờ ơ. Người vợ lập tức thấy bực bội và sự căng thẳng bắt đầu lớn lên khi cô ấy cố tình đề cho chồng nhận ra điều ấy. Người vợ cho rằng chồng không chú ý đến mình và những cố gắng của mình, còn người chồng thì không nhận ra vợ mình đã để hết tình cảm vào việc chuẩn bị cơm nước thế nào.
Nếu mỗi người cố gắng đặt mình vào vị trí của người kia, hiểu mọi chuyện đang xảy ra và những lo lắng của người bạn đời, cố gắng kiềm chế những cảm xúc riêng của mình thì mâu thuẫn sẽ không xảy ra.
9. Đừng cãi nhau
Sự nén chặt các cảm xúc lại thực ra sẽ không giúp các bạn giải quyết được bất cứ vấn đề nào mà chỉ làm mọi chuyện căng thẳng hơn, nhất là nó tạo nên cảm giác bất công. Nguyên tắc “Đừng cãi nhau” không yêu cầu bạn phải tuyệt đối im lặng – nó là chiến thuật đặt mình“cao hơn chuyện cãi cọ” khi bạn tạo nên một cuộc nói chuyện không có sự đối kháng với anh ấy.
Nếu bạn bắt đầu phản ứng anh ấy bằng câu : “Anh sai rồi” “Đó là lỗi của anh” … điều ấy chẳng khác gì bạn nói anh ấy ngu ngốc và tối tệ, còn bạn thì thông minh hơn và tốt hơn. Và như thế bạn sẽ chỉ làm cho anh ấy tiếp nhận ý kiến của bạn khó khăn hơn dù có thể nó hoàn toàn đúng đắn.
10. Hãy mỉm cười thường xuyên hơn!
Một nụ cười tươi tắn sẽ hoàn toàn đối lập với mâu thuẫn. Khi bạn cười thân thiện và hóm hỉnh, chẳng ai lại muốn cãi nhau với bạn. Nếu bạn cười với anh ấy, chắc chắn là anh ấy cũng sẽ cười với bạn. Sự niềm nở và thân thiện sẽ khiến người đối diện có những phản ứng tích cực hơn là căng thẳng và thù địch.
Khánh Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét